In Tin mới
Phân loại rác tại Huế – Giải pháp hữu ích mang lại hiệu quả cao
Tốc độ đô thị hoá tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước chuyển mình vượt bậc. Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, vấn đề phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn rất được các cơ quan chức năng tại tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng đến.
Tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn
Phân loại rác tại nguồn là công đoạn rác thải được tách riêng từng nhóm ngay tại nguồn phát sinh rác thải. Phân loại rác tại nguồn đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất thải, đặc biệt trong bối cảnh thế giới cũng như Việt Nam đang phải chống chọi với dịch bệnh, việc phân loại tại nguồn góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại và nguy hiểm. Quan trọng nhất của việc phân loại không thể không kể đến là góp phần giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
Hiện nay tại Việt Nam, ở một số tỉnh đã tiến hành công tác phân loại rác tại nguồn, tiêu biểu nhất trong công đoạn này là phân loại rác tại Huế.
Vì sao Huế chú trọng đến phân loại rác tại nguồn?
Theo thống kê gần nhất, mỗi ngày toàn tỉnh Thừa Thiên Huế phát sinh khoảng 600 tấn chất thải rắn sinh hoạt chưa qua phân loại. Riêng khu vực Thành phố Huế mỗi ngày phát sinh khoảng 200 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong số đó có khoảng 6% là rác thải nhựa và túi ni lông. Số rác thải phát sinh nói trên vẫn chưa kể đến lượng chất thải rắn y tế, chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn xây dựng thải ra hàng ngày…
Thời gian qua, dù tỉnh Thừa Thiên Huế đã duy trì tốt phong trào “Ngày Chủ nhật xanh – Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh – sạch – sáng”, bên cạnh những kết quả đạt được rất ấn tượng, thế nhưng tình trạng rác thải bừa bãi vẫn tiếp diễn ở rất nhiều nơi. Theo thông tin của phóng viên, chỉ đi dọc tuyến đường QL1A đã nhận thấy rất nhiều đống rác gây ô nhiễm. Trên kênh tương tác đô thị thông minh của tỉnh cũng được người dân gửi rất nhiều hình ảnh rác thải khắp làng, ngõ… đủ để có thể thấy tình trạng rác thải tại Thừa Thiên Huế đang gây nhức nhối mức nào.
Thực tế đã cho thấy, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều đã sinh ra các vụ việc nóng liên quan đến vấn đề xử lý rác thải, tình trạng ô nhiễm…tại các bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác tại Thừa Thiên Huế trong những năm gần đây.
Được biết, từ khi Nhà máy chôn lấp chất thải rắn Lộc Thuỷ (thôn Nam Phước, xã Lộc Thuỷ, huyện Phú Lộc) đi vào hoạt động vào năm 2012 nhằm thu gom và xử lý rác của 18 xã, thị trấn của huyện với công suất 135 tấn/ngày. Người dân ở khu vực quanh bãi chôn lấp đã luôn phải sống cùng với môi trường bị ô nhiễm, không khí hôi hám, nguồn nước nhiễm bẩn, ảnh hưởng đến sức khoẻ và sản xuất nông nghiệp…
Đỉnh điểm, vào tháng 02/2017, người dân thôn Nam Phước đã nhiều lần ngăn cản không cho xe chở rác đi vào bãi chôn lấp với lý do bãi này đã nhập thêm một lượng rác lớn từ các huyện lân cận khiến rác dồn đống, theo thời gian gây ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Trước những phản đối quyết liệt của người dân, hơn 2 năm qua, nhà máy đã phải dừng hoạt động, ngưng tiếp nhận, chôn lấp rác thải.
Trong khi đó, Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương (phường Thuỷ Phương, xã Hương Thuỷ) do Công ty Tâm Sinh Nghĩa đầu tư và được đi vào hoạt động kể từ năm 2007, với công suất nâng lên 200 tấn/ngày. Trong khoảng 10 năm hoạt động, cơ bản nhà máy đã giải quyết được vấn đề rác thải của tỉnh. Tuy nhiên, với tốc độ xã hội phát triển nhanh chóng tại nơi này, lượng rác đã trở nên quá lớn khiến nhà máy trở nên quá tải, dẫn đến tình trạng môi trường xung quanh bị ô nhiễm, người dân ở khu vực này bức xúc và gửi đơn kiến nghị lên cấp trên Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, sau đó đã thành lập đoàn điều tra và bãi rác đã phải tạm ngưng tiếp nhận rác.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn có hàng chục làng nghề và ngành nghề nông thôn. Nhưng vấn đề xử lý chất thải rắn ở khu vực này từ xưa đến nay vẫn còn bị bỏ ngỏ. Do không có nơi thu gom rác thải, người dân nơi này không biết đổ rác thải ở đâu, nên buộc phải thải bỏ ra môi trường, vứt ra đường, xuống sông, ao hồ…những hành động này là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường ở làng nghề càng nghiêm trọng.
Giải pháp của Thừa Thiên Huế về vấn đề chất thải rắn sinh hoạt
Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành giao cho các sở ban ngành làm chủ đầu tư và triển khai các dự án đầu tư xây dựng có liên quan đến việc xử lý chất thải rắn, nâng cấp bãi chôn lấp. Ngoài ra còn tiến hành thực hiện phân loại rác tại Huế.
Nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, giảm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4512/UBND-GT hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Khi thực hiện, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại rác tại Huế tại nguồn theo 4 nhóm:
- Nhóm tái chế, tái sử dụng: các loại giấy, nhựa, kim loại, thuỷ tinh…
- Nhóm chất hữu cơ dễ phân huỷ: thức ăn thừa, rau, củ quả, lá cây, xác động vật
- Nhóm chất thải nguy hại: pin, ắc quy, bóng đèn huỳnh quang, thiết bị điện tử hỏng
- Nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải xây dựng)
Đồng thời, chất thải rắn sinh hoạt tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân được lưu chứa trong các bao bì, thiết bị phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo đó, đơn vị/cá nhân thu gom, vận chuyển phải đảm bảo tổ chức thu gom, vận chuyển riêng các nhóm chất thải sinh hoạt sau khi phân loại. Riêng đối với chất thải nguy hại thực hiện thu gom, lưu chứa tại một số điểm tập kết được Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn và sẽ được thu gom, vận chuyển theo quy định.
Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế: hộ gia đình, chủ nguồn thải có thể bán cho các tổ chức, cá nhân thu mua phế liệu hoặc các cá nhân, tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trong trường hợp không cho hoặc bán cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu thì chủ nguồn thải, hộ gia đình phải bỏ vào thùng chứa rác riêng biệt.
Phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải phải đảm bảo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế và phải thu gom riêng biệt từng nhóm chất thải sinh hoạt sau phân loại. Bên cạnh đó, các phương tiện thu gom, vận chuyển ngoài việc đáp ứng yêu cầu về an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông, phải đảm bảo quy định về quy định vệ sinh môi trường, không rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, nước rỉ rác trong quá trình thu gom, vận chuyển.
Hiện nay, ô nhiễm rác thải đặc biệt là rác thải nhựa vẫn là một vấn đề lớn trên thế giới, cũng như ở Việt Nam và Thừa Thiên Huế. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ về quản lý môi trường tại các địa phương căn cứ theo quy định tại Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định 155) để lập biên bản vi phạm hành chính xử lý các hành vi vi phạm quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom, vận chuyển, chôn lấp, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt theo đúng quy định tại Nghị định 155.
Như vậy, trước thực trạng lượng rác thải tại các địa phương tăng cao, khiến công tác thu gom vận chuyển tốn nhiều thời gian hơn và các bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác còn hạn chế, việc phân loại rác tại Huế là hết sức cần thiết.
Thừa Thiên Huế đã thực hiện công tác phân loại rác tại Huế một cách hữu hiệu và quyết liệt. Góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống, giảm áp lực tại các bãi chôn lấp cũng như nhà máy xử lý rác. Cùng R One đón xem các dự án khác tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhé.
19757 Comments