In Tin mới
Rác thải nhựa tại Việt Nam: Khi tốc độ phát triển kinh tế phải đánh đổi bằng môi trường?
Đi cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội thì vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam ngày càng nghiêm trọng hơn.
Rác thải nhựa – Bài toán thách thức không dành riêng cho Việt Nam
Rác thải nhựa từ lâu đã trở thành vấn nạn môi trường mà nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Do phần lớn được sản xuất từ nhựa PE nên rất khó phân huỷ được gây tổn hại lớn đến môi trường. Theo nhiều nghiên cứu và thống kê thì thời gian để một sản phẩm nhựa dùng một lần phân huỷ ít nhất cần đến 50 năm và nhiều nhất lên đến 1.000 năm.
Theo báo cáo từ Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên toàn thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có gần 13 triệu tấn bị đổ thẳng ra biển và cứ mỗi phút có khoảng 1 triệu chai nhựa và 5000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Trong số rác thải nhựa được thải ra có tới 79% là bị chôn lấp hoặc vứt ra môi trường, 12% là bị đốt, chỉ có 9% trong số đó được tái chế.
Như vậy, có thể thấy tình trạng gia tăng chóng mặt của rác thải nhựa đã và đang có những ảnh hưởng nặng nề trực tiếp lên đời sống con người và cả chất lượng môi trường. Khi môi trường ô nhiễm và suy thoái, nhiều mầm bệnh cũng sẽ xuất hiện hơn đe doạ chất lượng cuộc sống con người.
Hiện nay, nhiều quốc gia đã nhận ra tầm ảnh hưởng quan trọng của rác thải nhựa trên thế giới và bắt đầu có những hành động thiết thực. Ví dụ các quốc gia thuộc Châu Âu và Anh đã cấm sử dụng bông ngoáy tai, ống hút làm bằng nhựa và các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần như dao kéo và túi nilon. Tại Ấn Độ, Chính phủ cũng cam kết đến năm 2020 sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần. Cùng với đó là nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc,… và cả Việt Nam đã tiến hành kêu gọi người dân nâng cao ý thức của người dân. Một số nước còn thành lập quỹ riêng về môi trường để tài trợ cho những dự án giúp tái chế, phân loại rác thải nhựa.
Chúng ta ở đâu trên bản đồ ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa?
Là một trong những quốc gia đang phát triển, Việt Nam cũng như phần lớn các quốc gia khác hiện nay đối mặt tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Sự hiện hữu của các sản phẩm nhựa dùng một lần đã trở nên vô cùng phổ biến cả trong sản xuất lẫn sinh hoạt của người dân Việt Nam.
Ô nhiễm rác thải nhựa hay “ô nhiễm trắng” không đơn thuần để lại hậu quả về mặt môi trường mà nhìn lâu dài, cả kinh tế – xã hội của Việt Nam nói riêng đều bị ảnh hưởng và thiệt hại. Chính vì thế từ khi báo cáo của Liên Hợp Quốc 2018 được đưa ra, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh hơn nữa nhiều giải pháp giảm thiểu vấn đề trên. Nhưng cho đến nay, rác thải nhựa ở nước ta vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề nan giải, mỗi ngày trôi qua các con số báo động về ô nhiễm nhựa luôn tăng.
Dưới đây là những con số đáng báo động về thực trạng ô nhiễm do rác thải nhựa mang lại tại Việt Nam
1. Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển, với 0,28 – 0,73 triệu tấn mỗi năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới.
2. Lượng nhựa tiêu thụ bình quân đầu người năm 2019 là 41kg/người, gấp hơn 10 lần so với lượng tiêu thụ 3,8 kg/người vào năm 1990.
3. Chỉ có 10% lượng rác thải nhựa ở Việt Nam được đem đi tái chế, còn lại 90% lượng rác thải nhựa sẽ bị chôn lấp, đốt, hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
4. Ở nước ta, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng.
5. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
6. Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam, chiếm khoảng 8%-12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11%-12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
7. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị trung bình cả nước là 93,7%, nông thôn là 83%. Như vậy, còn 6,3% khối lượng CTRSH đô thị và 17% khối lượng CTRSH nông thôn không được thu gom và bị thải bỏ ra môi trường xung quanh.
8. Hiện nay, chôn lấp vẫn là phương pháp được áp dụng phổ biến tại Việt Nam (khoảng 70% khối lượng CTRSH được thu gom được xử lý bằng phương pháp chôn lấp) với khối lượng khoảng 35.000 tấn/ngày nhưng chỉ có khoảng 20% trong số các bãi chôn lấp là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã.
Thay đổi tư duy thôi chưa đủ, hãy hành động bằng cả trái tim
Những thống kê trên cho thấy mức độ tàn phá quá khủng khiếp của chúng ta đối với môi trường hiện nay. Đáng chú ý là nhiều biện pháp kế hoạch đã triển khai về phân loại rác thải tại nguồn, giáo dục nâng cao ý thức cho người dân giảm sử dụng sản phẩm nhựa một lần nhưng kết quả chưa đạt như ý.
Có lẽ, mỗi người dân đặc biệt là thế hệ trẻ cần hành động quyết liệt hơn nữa vì môi trường sống của chính chúng ta và thế hệ mai sau. Theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 75% rác thải nhựa đại dương; 100% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn không còn rác thải nhựa.
Không chỉ cơ quan chức năng hành động mà mỗi người dân cũng cần chung sức, đồng lòng để đạt được mục tiêu chung. Dưới đây là một số cách R One gợi ý bạn để có thể giảm thiểu phát thải rác thải nhựa ra ngoài môi trường.
1. Sử dụng bình nước cá nhân, hộp đựng thức ăn sử dụng nhiều lần để mang đi học, đi làm, đi chơi tránh mua thức ăn, đồ uống được đựng trong ly nhựa.
2. Không dùng thực phẩm được đựng trong sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa màu đen.
3. Mang theo túi đựng có thể tái sử dụng nhiều lần khi đi mua sắm để giảm việc dùng túi nilon.
4. Ưu tiên mua sản phẩm được đựng trong hộp giấy thay vì hộp và các loại bao bì nhựa.
5. Không dùng sản phẩm chăm sóc cơ thể có chứa hạt vi nhựa.
Trận chiến chống rác thải nhựa chưa bao giờ là dễ dàng nhưng cũng sẽ không khó khăn nếu mỗi người dân là một hiệp sĩ giải cứu rác thải nhựa. Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển nên các vấn đề về môi trường là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ý thức của người dân cùng cơ sở hạ tầng phát triển tương xứng sẽ giúp cuộc chiến chống rác thải nhựa tại nước ta nhanh chóng thắng lợi. Hãy cùng R One kiến tạo vòng đời cho rác nhé các bạn!
24712 Comments