Ý NGHĨA ẨN GIẤU ĐẰNG SAU CÁC CON SỐ TRÊN ĐỒ NHỰA

Ý NGHĨA ẨN GIẤU ĐẰNG SAU CÁC CON SỐ TRÊN ĐỒ NHỰA

Các loại chai, hộp nhựa mà chúng ta sử dụng hằng ngày trong đời sống sinh hoạt đều có những ký hiệu riêng biệt mang từng ý nghĩa khác nhau nhằm giúp chúng ta có thể phân biệt các loại nhựa. Vậy nhựa nào có thể tái chế, nhựa nào không thể tái chế hay nhựa nào không nên sử dụng nhiều lần? Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

Nhựa có mặt ở khắp nơi. Chúng ta thử nhìn xung quanh cuộc sống của mình, từ nhà ở, cơ quan làm việc, đường xá hay ngoài biển…đều dễ dàng bắt gặp những đồ dùng từ nhựa với những mẫu mã khác nhau, từ hộp đựng thực phẩm, chai nước đến đồ dùng gia đình…

Nhựa đã và đang trở thành một đồ vật không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày và điều này đang là vấn đề đáng báo động, không chỉ về môi trường mà còn cả về sức khoẻ của người dùng. Đã có nhiều tin tức về nhựa gây lo lắng về an toàn trong cộng đồng, trong khi một số loại thân thiện với môi trường, có thể an toàn cho trẻ em nhưng một số khác lại chứa các hóa chất độc hại và gây ô nhiễm nguy hiểm trong quá trình sản xuất ra sản phẩm.

Ở đất nước đang phát triển như Việt Nam, không tránh khỏi việc sử dụng đồ dùng nhựa tràn lan nhưng chúng ta có thể tìm kiếm những đồ nhựa an toàn hơn cho bản thân cũng như cho gia đình mình và góp phần bảo vệ môi trường. Vậy bạn có thắc mắc những con số trên chai nhựa có tác dụng gì không? Cùng theo dõi tiếp bài viết nhé.

Hiệp hội Công nghiệp Nhựa Hoa Kỳ (SPI) lần đầu tiên giới thiệu hệ thống các mã nhận dạng trên các sản phẩm làm từ nhựa vào năm 1988 với tên gọi “Hệ thống mã nhận dạng nhựa tự nguyện” và SPI cũng tuyên bố rằng mục đích của mã RIC ban đầu là “Cung cấp một hệ thống quốc gia nhất quán để tạo điều kiện cho việc tái chế nhựa sau tiêu dùng”. Chúng bao gồm các ký hiệu được các nhà sản xuất sản phẩm làm từ nhựa in dập nổi ngay trên thành phẩm của họ. Theo đúng dạng quy ước ban đầu, các ký hiệu bao gồm các mũi tên quay theo chiều kim đồng hồ để tạo thành một hình tam giác bao quanh một số. Hình tam giác này mang ý nghĩa là một vòng khép kín biểu trưng cho vòng đời bất tận của một sản phẩm nhựa. Các con số từ 1 đến 7 biểu thị cho loại nhựa được sử dụng trong sản phẩm.

Lợi ích mà mã nhận dạng nhựa đem lại là gì?

Hệ thống nhận dạng nhựa ngày càng được nhiều cộng đồng các chương trình tái chế áp dụng, như một công cụ đắc lực giúp hỗ trợ phân loại nhựa. Các công nhân trong các cơ sở thu hồi và tái chế có thể dễ dàng phân loại các mặt hàng theo chất liệu sản phẩm chỉ bằng cách đơn giản khi nhìn vào các con số được in dập nổi trên sản phẩm. Cách thức này hoàn toàn đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều so với việc làm việc dựa trên kinh nghiệm và phỏng đoán trước đó.

Khâu phân loại nhựa là vô cùng quan trọng vì nhựa cần phải được tái chế riêng biệt theo từng loại, nhằm bảo toàn giá trị của vật liệu tái chế. Nếu không phân loại theo từng loại nhựa hoặc phân loại có sai sót sẽ dẫn đến tình trạng nhựa sau tái chế không đạt chất lượng hoặc tệ hơn là không thể sử dụng được.

 Ý nghĩa của các con số trên mã tái chế

1. Nhựa PETE hoặc PET (Số tái chế 1/Mã ID nhựa 1)

Polyethylene terephthalate là một loại nhựa nhẹ, thường được dùng để làm thành bao bì ở dạng nửa cứng hoặc cứng. Sức mạnh và độ dẻo dai của chất lượng này giúp bao bì có khả năng chống va đập tốt để bảo vệ thực phẩm hoặc chất lỏng bên trong chúng. Đây là một trong số những loại nhựa được sử dụng phổ biến cho các sản phẩm gia dụng như chai nước khoáng, nước ngọt, dầu ăn, tương ớt…

PETE hoặc PET thường được tái chế thành các sản phẩm mới như: túi tote, vải áo thun, vải sợi cho áo len và áo khoác… Đồng thời, hạt nhựa PET tái chế có thể pha trộn với hạt nhựa nguyên sinh cùng loại theo một tỷ lệ nhất định để sản xuất ra các lô sản phẩm chai lọ và hộp đựng khác. 

Nhựa PET chỉ nên sử dụng 1 lần, không nên tái sử dụng nhiều lần trong thời gian dài vì nhựa có thể tiết ra các hóa chất độc hại có thể thẩm thấu vào thức ăn, thức uống của chúng ta, gây ra những tác hại không tốt đến sức khỏe của bản thân. Đặc biệt, tuyệt đối không dùng để đựng nước hoặc thực phẩm nóng, vì khi đó các chất độc hại có khả năng thẩm thấu vào trong thực phẩm diễn ra nhanh hơn và gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí có thể bị ung thư. Vì vậy cần để chai nhựa PET tránh xa những khu vực có nhiệt độ nóng như gần nhà bếp nấu ăn…

2. Nhựa HDPE (Số tái chế 2/Mã ID nhựa 2)

Polyethylene mật độ cao là một loại nhựa cứng, không hoàn toàn trong suốt, có trọng lượng nhẹ nhưng cũng rất bền. Nó được coi là một loại nhựa ít nguy hiểm và có nguy cơ tiết ra chất độc hại thấp hơn. 

Do đặc tính dẻo dai và chịu được hóa chất nên nhựa HDPE được sử dụng cho các sản phẩm gia dụng như: chai đựng nước xả vải, nước giặt, chai dầu gội, dầu xả, sữa tắm…HDPE cũng thường được dùng để sản xuất ống nước. Vật liệu này cũng được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận cho tiếp xúc với thực phẩm. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý các loại bao bì không rõ nguồn gốc có thể sử dụng nguyên liệu pha trộn kém chất lượng hoặc nhựa tái chế vì chỉ ở dạng nguyên sinh thì nhựa HDPE mới hoàn toàn an toàn khi chứa đựng thực phẩm.

Các sản phẩm làm từ nhựa HDPE có thể tái sử dụng ít nhất là 10 lần. Các sản phẩm trong suốt sẽ được tái chế thành các sản phẩm như hộp đựng, bình sữa, chai lọ mới…với các tính chất và giá trị sử dụng tương đương. Các sản phẩm đã được pha màu khi sản xuất sẽ được tái chế để sản xuất thành các loại đồ chơi, đồ gia dụng hay ống nước…

3. Nhựa PVC (Số tái chế 3/Mã ID nhựa 3)

Polyvinyl Clorua (PVC) có hoá chất độc hại, một loại nhựa nhiệt dẻo, phổ biến có khả năng kháng hóa học và sinh học, có chứa hàm lượng Clo cao lên đến 57%. Các sản phẩm từ PVC thường thấy là áo mưa, chai đựng gia vị, ống nước, chai lọ chứa hoá chất, thực phẩm chức năng, thuốc uống chữa bệnh, màng bọc thực phẩm…

Tuy nhiên, PVC có tính ổn định nhiệt kém nên các loại hàng hoá khi sử dụng loại bao bì này cần tránh môi trường có nhiệt độ cao. Tránh đưa vào lò vi sóng các loại thức ăn còn nguyên lớp màng bọc bằng loại nhựa PVC. Ngoài ra, các loại đồ chơi trẻ em làm từ chất liệu này cũng bị cấm ở một số nước vì khi ngậm vào miệng, các chất độc hại có trong sản phẩm nhựa được đào thải ra bên ngoài. Khi PVC bị đốt cháy thông qua quá trình đốt chất thải, đốt xe hơi hoặc cháy nhà, dioxin được hình thành. Dioxin được biết đến là chất gây ung thư ở người và chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và được coi là một trong những loại hóa chất độc hại nhất.

Do hàm lượng Clo có trong nhựa PVC cao, nên đây là sản phẩm khó tái chế nhất. Tuy nhiên, vẫn có một số nơi có thể làm được điều này và tái chế có thể dùng để sản xuất các đường ống, nón bảo hộ, hộp và cáp điện…

4. Nhựa LDPE (Số tái chế 4/Mã ID nhựa 4)

Polyethylene mật độ thấp mỏng hơn so với một số loại nhựa khác và cũng có khả năng phục hồi nhiệt cao. Do có tính dẻo dai và linh hoạt, nhựa LDPE chủ yếu được dùng trong các bao bì, màng bọc… thường cần đến công đoạn hàn nhiệt. 

Nhựa LDPE thường được sử dụng trong bao bì thực phẩm để làm các loại túi đựng các loại gia vị như đường, bột ngọt, muối…trái cây, rau củ quả hoặc các túi đựng nước mía, nước súp khi mua thức ăn mang về…cũng được làm từ loại nhựa này.

Nhựa LDPE là loại nhựa an toàn để tái sử dụng nhiều lần, chỉ cần đảm bảo rằng chúng không được đặt trong môi trường có nhiệt độ 120oC vì đây là nhiệt độ nóng chảy của chúng, nhưng loại này không phải lúc nào cũng có thể tái chế. Các loại túi nilon làm từ nhựa LDPE khi tái chế cần thiết trải qua công đoạn băm nhỏ, do đặc tính dẻo dai nên loại túi này thường bị mắc vào các máy móc dùng để tái chế và điều này có thể gây hư hỏng thiết bị về lâu dài. Vì vậy, chúng ta nên tái sử dụng sản phẩm nhựa LDPE một cách triệt để đến khi nó không còn có thể sử dụng được nữa.

5. Nhựa PP (Số tái chế 5/Mã ID nhựa 5)

Polypropylene hơi cứng nhưng ít giòn hơn một số loại nhựa khác. Nhựa trong suốt nhưng cũng có thể làm mờ, đục hoặc pha thêm màu khác trong khi được sản xuất. Loại nhựa này có trọng lượng nhẹ, bền, chịu nhiệt và tạo ra một rào cản tốt chống lại độ ẩm, dầu mỡ và hoá chất. Hộp đựng thực phẩm sốt cà chua, sữa chua, bơ thực vật, đồ ăn mang đi, hộp đựng thuốc, ống hút, nắp chai, các sản phẩm Rubbermaid…và các hộp nhựa đục khác, kể cả bình sữa trẻ em được làm bằng PP. Nhiều cách sử dụng như tã lót và băng vệ sinh dùng một lần, áo giữ nhiệt, các bộ phận của thiết bị và nhiều bộ phận xe hơi (cản, thảm, đồ đạc) cũng được làm từ loại nhựa này.

So với các loại nhựa khác, nhựa PP được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) đánh giá là rất an toàn để sử dụng chứa đựng thực phẩm. Chúng không làm rò rỉ bất kỳ hoá chất độc hại nào, do đó loại nhựa này có thể tái sử dụng để chứa thực phẩm. Do có tính an toàn cao nên loại nhựa này có thể tái sử dụng được rất nhiều lần và chúng cũng được tái chế rất dễ dàng so với một số loại nhựa khác.

6. Nhựa PS (Số tái chế 6/Mã ID nhựa 6)

Polystyrene có nguồn gốc từ dầu mỏ, là một loại nhựa cứng, không màu, không có nhiều tính mềm dẻo. Nó có thể được tạo thành bọt hoặc đúc thành khuôn. Nhựa PS thường được sử dụng để làm thành cốc nhựa, khay đựng đồ nguội và bánh mì, hộp đựng và nắp đậy thức ăn nhanh, cốc đựng cà phê nóng và hộp đựng trứng…

Ngoài ra, PS cũng có thể tồn tại dưới dạng vật liệu xốp được gọi là polystyrene mở rộng (EPS) hoặc mút xốp. Vì EPS có tính linh hoạt và nhẹ nên nó thường được sử dụng trong ngành dịch vụ thực phẩm, như những thùng xốp chứa hải sản…vì những thùng xốp này sẽ giữ cho thực phẩm ẩm và tươi trong thời gian dài hơn, với chi phí thấp hơn đáng kể.

Bao bì PS được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) coi là an toàn để sử dụng khi tiếp xúc với thực phẩm. Tuy nhiên, với EPS thì khi tiếp xúc với nhiệt, hộp xốp có thể làm trôi đi styrene – là một loại độc tố có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, ảnh hưởng đến hệ sinh sản, đường hô hấp và thậm chí có thể gây ra bệnh ung thư cho người, nên việc tiếp xúc với một lượng nhỏ styrene theo từng ngày sẽ tích tụ trong cơ thể và ảnh hưởng đến sức khoẻ của bản thân.

Nhựa PS là loại nhựa có thể tái chế được, còn với EPS thì không, việc xử lý rác thải từ EPS được hướng dẫn như xử lý đối với rác thông thường.

 7. Nhựa Các loại nhựa khác (Số tái chế 7/Mã ID nhựa 7)

Loại nhựa khác hoặc có ký hiệu số 7 trên bao bì nhựa cho biết bao bì được làm bằng nhựa dẻo khác so với 6 loại nhựa được nêu ở trên. Ví dụ bao bì làm bằng polycarbonate hoặc polylactide, nhựa sinh học (PLA), hoặc những loại màng ghép được tạo nên bởi sự kết hợp của nhiều hơn một vật liệu nhựa dẻo. Trong số đó, đặc biệt phải nhắc đến polycarbonate, là loại nhựa sử dụng hoá chất công nghiệp Bisphenol A (BPA) trong quá trình sản xuất. FDA hoàn toàn không chấp nhận hóa chất nguy hiểm này đối với sức khoẻ của con người.

Tuy nhiên, không phải loại nhựa nào có số 7 cũng đều chứa hoá chất BPA, vẫn có một số loại nhựa không chứa hoá chất này và đã được FDA chấp thuận để tiếp xúc với thực phẩm sau nhiều lần thử nghiệm.

Các sản phẩm có mã tái chế nhựa số 7 không được tái chế rộng rãi. Để an toàn hơn cho sức khỏe, chúng ta cần thận trọng khi mua những sản phẩm đựng thực phẩm hay đồ gia dụng tiếp xúc nhiều với cơ thể có mã tái chế số 7. Ngoài ra, những loại an toàn sẽ phải có thể dấu hiệu nhận dạng như “Không có chứa BPA” ở bên cạnh.

Trên thị trường hiện nay, thực tế có 2 loại mã nhận dạng nhựa đang được sử dụng, nhưng về mặt ý nghĩa thì đều giống nhau

1. Ba mũi tên bao quanh một con số

2. Một hình tam giác đặc bao quanh một con số.

Tuỳ thuộc vào từng quốc gia cũng như các nhà sản xuất, hình ảnh mã nhận dạng sẽ được in khác nhau. Ở Việt Nam, mã nhận dạng ba mũi tên bao quanh một con số được sử dụng phổ biến nhất vì nó trông bắt mắt và quen thuộc đối với người tiêu dùng hơn.

Qua bài viết trên, R One hy vọng mọi người đã có thêm hiểu biết về các sản phẩm từ nhựa và biết cách sử dụng hợp lý, nhằm đảm bảo sức khỏe cho bản thân cũng như cho gia đình mình.

1 Comment

Comments are closed.