Huế giảm rác thải nhựa – Lời cam kết có thực hiện vào năm 2024

Huế giảm rác thải nhựa – Lời cam kết có thực hiện vào năm 2024

Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường và có đến 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn bị thải ra biển – nhưng chỉ  27% trong số đó được tái chế và tận dụng.

Hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai thuộc Thành phố Huế được xem là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, có giá trị cao về môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Tuy nhiên, những năm gần đây khu vực này đã và đang bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Cụ thể là do đặc thù bởi vị trí địa lý, sau mỗi đợt lũ lượng lớn các loại rác thải, túi nilon trôi theo dòng nước về hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Lượng rác thải này không được thu dọn dẫn đến tình trạng ô nhiễm khiến cho môi trường sống của các sinh vật ở khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đầm phá Tam Giang ô nhiễm rác thải nhựa
Khu vực đầm phá Tam Giang, đoạn gần cửa biển Thuận An ô nhiễm do rác thải.

Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Năm 2020, những bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống thông qua Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã nhận được sự ủng hộ tích cực của nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Hưởng ứng tình hình đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa tồn tại trong môi trường và tăng lượng rác thải nhựa được tái chế và tái sử dụng.

Năm 2020, tỷ lệ thu gom rác thải ở Huế rất cao lên đến 98%, nhưng ô nhiễm rác thải nhựa vẫn đang là một vấn đề môi trường nghiêm trọng ở nhiều khu vực thuộc thành phố. Không chỉ tại Thành phố Huế, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên Thế giới đang phải đối mặt. Các quốc gia đã đưa ra nhiều chiến lược cụ thể để có thể cải thiện tình hình này. 

Theo số liệu thống kê, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở Thành Phố Huế khoảng 407,2 tấn/ngày, trong đó rác thải sinh hoạt phát sinh ở Huế khoảng 407,2 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm hơn 15,4%, nhưng có đến 3,13% khối lượng rác thải nhựa thất thoát vào môi trường so với tổng lượng rác thải phát sinh. Ô nhiễm rác thải nhựa làm tắc nghẽn các dòng sông và đe dọa các hệ sinh thái và môi trường biển, ven biển. Điều này có tác động tiêu cực đến các lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế, bao gồm du lịch, vận tải biển và nuôi trồng thủy sản tại Huế. Chất lượng của hệ thống thu gom, vận chuyển rác là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ thất thoát rác thải nhựa nói trên.

Rác thải nhựa tràn ngập mọi nẻo đường
Hệ thống thu gom và vận chuyển rác thải ảnh hưởng đến lượng rác thải nhựa thất thoát.

Nhận được sự tài trợ của của WWF – Na Uy (thông qua WWF – Việt Nam), cùng mục tiêu hỗ trợ Thành phố Huế bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thực hiện cam kết “Huế giảm 30% lượng rác thải nhựa năm 2024”, UBND Thành phố Huế đã cho ra đời Dự án “Huế – Đô thị Giảm Nhựa ở miền Trung Việt Nam”.

Hội thảo khởi động dự án "Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam"
Đại diện UBND TP. Huế và WWF – Việt Nam ký cam kết đưa Huế trở thành Đô thị Giảm Nhựa tại Hội thảo khởi động dự án “Huế – Đô thị Giảm Nhựa ở miền Trung Việt Nam” .

Tại Hội thảo khởi động dự án, mục tiêu cho đến 2024, Huế trở thành “Đô thị Giảm Nhựa” với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế được đẩy mạnh thu hồi. Nhằm thực hiện được mục tiêu đã đề ra, cho đến nay Huế vẫn đang nỗ lực triển khai và thực hiện nhiều chương trình, hoạt động giảm thiểu lượng rác thải nhựa tồn tại và tác động đến môi trường. Một số chương trình, hoạt động như: Lễ phát động phong trào: “Nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần”; “Diễn đàn về phát triển bền vững, tập trung các giải pháp về biến đổi khí hậu và giao thông xanh”; Đề án “Ngày chủ nhật xanh” tại Huế.

Dự án được thực hiện trong 4 năm, từ năm 2012 đến năm 2024 và được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn khởi động dự án (2021) và giai đoạn triển khai thực hiện (2022 – 2024) với mong muốn đưa Huế trở thành một điểm đến không rác nhựa vào năm 2030.

Dự án “Huế – Đô thị Giảm Nhựa ở miền Trung Việt Nam” tại Thành phố Huế không những tạo điều kiện cho tỉnh Thừa Thiên Huế tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường. Đây còn là dự án tạo động lực, khuyến khích các tỉnh thành, khu vực khác nỗ lực thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường nhằm hạn chế tác động tiêu cực của rác thải nhựa.

Để góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường nói chung, Doanh nghiệp xã hội Recycle One sẽ kết hợp cùng một số đơn vị tại Thành phố Huế tổ chức những chương trình nhằm nâng cao nhận thức về rác thải nhựa và tái chế rác thải nhựa hiện nay. Hãy cùng đón chờ và đồng hành cùng R One ở Huế có những dự án gì mới nhé.