Công nghệ xử lý rác thải tương lai: Máy phân loại rác tái chế R One

Công nghệ xử lý rác thải tương lai: Máy phân loại rác tái chế R One

Giảm thiểu rác thải bằng việc áp dụng công nghệ 4.0 đang là xu thế hiện nay. Ứng dụng máy phân loại rác tái chế R One sẽ mở ra một kỉ nguyên mới cho việc xử lý rác.

Thế giới đã ứng dụng máy phân loại rác tái chế hiệu quả như thế nào?

Chúng ta thường biết đến những chiếc máy ATM dùng để rút tiền nhưng đã bao giờ các bạn thấy một chiếc máy ATM dùng để thu, nhận các loại rác thải có thể tái chế được chưa? Việc sử dụng những chiếc máy Recycle ATM hay có thể gọi là máy thu gom và phân loại rác tái chế tự động đã trở nên phổ biến tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Na Uy, Đức, Đài Loan… Đây chính là một trong những công nghệ xử lý rác thải tiềm năng không chỉ cho Việt Nam mà cả thế giới.

Na Uy – Hệ thống đặt cọc tân tiến

Na Uy là một trong những quốc gia Bắc Âu dẫn đầu Liên Minh Châu (EU) về việc tái chế rác thải với tỷ lệ tái chế lên tới 97%. Nhờ sự áp dụng đồng bộ và hệ thống đặt cọc tân tiến được thiết kế và điều hành bởi công ty Infinitum đã đặt khoảng 3.700 máy phân loại rác tái chế tại các siêu thị, cây xăng và cửa hàng trên khắp Na Uy.

máy phân loại rác hiệu quả
Máy quét mã vạch vỏ chai nhựa tại Na Uy.

Theo đó, người tiêu dùng khi mua hàng có chứa mặt hàng là chai nhựa thì cần phải trả thêm tiền (khoảng 3.000 – 7.000VNĐ) cho việc sử dụng chai nhựa đó. Sau khi sử dụng xong, người dùng chỉ cần đem chai nhựa rỗng đến nơi đặt máy quét mã vạch sẽ được nhận lại số tiền đã trả thêm hoặc có thể ký gửi tại các cửa hàng tiện lợi, trạm xăng dầu để tích điểm vào lần mua sắm kế tiếp. Việc này cũng giúp cho các cửa hàng “bỏ túi” được một khoảng tiền nhỏ vào việc tái chế mỗi chai nhựa.

Đài Loan – Quầy đổi rác lấy tiền iTrash Booth

Tại Đài Loan, người dân có thể mang những chiếc vỏ chai nhựa và hộp sắt tái chế đến những nơi đặt máy phân loại rác tái chế iTrash Booth để bán phế liệu. Họ sẽ được nhận lại tiền sau bán bằng hình thức chuyển vào thẻ thông minh cá nhân của người dân – thẻ tích hợp các phương tiện giao thông công cộng chứ không phải là tiền mặt. Người đại diện là phó giám đốc của công ty TNHH Khoa học môi trường Hao Yang cho biết chiếc máy iTrash Booth có khả năng tiếp nhận 200kg hộp và chai tái chế mỗi ngày.

sử dụng máy phân loại rác
Quầy đổi rác lấy tiền Itrash Booth.

Hiện tại các quầy đổi rác được dự kiến lắp đặt rải rác tại thành phố Đài Bắc khoảng 10.000 chiếc máy. Thiết kế của các quầy iTrash Booth như những chiếc máy bán hàng tự động và có thể tự động ép các loại rác tái chế. Thêm vào đó, khi được nạp tiền vào thẻ giao thông thông minh và khi in biên lai cho người sử dụng máy thì chiếc máy thông minh này còn tỏa ra hương thơm. Sáng kiến này đã và đang thúc đẩy người dân tại Đài Loan sử dụng đồ tái chế và thuận tiện cho họ phân loại, xử lý rác thải tại gia đình.

Trung Quốc – Lĩnh vực kinh doanh thú vị cho công nghiệp xanh

Tại Trung Quốc, cụ thể là Bắc Kinh là một trong những nơi có mật độ dân số cao dẫn đến tình trạng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng. Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do rác thải, công ty tái chế Incom đã phát minh ra một chiếc máy với kích thước chỉ như một chiếc tủ lạnh được dùng để thu gom tự động chai lọ tái chế. Hiện có khoảng hơn 6.000 chiếc máy phân loại rác tái chế được lắp đặt tại các trung tâm thương mại, công sở, tàu điện ngầm,… ở Bắc Kinh.

ý nghĩa của máy phân loại rác
Máy phân loại rác tái chế tại Trung Quốc.

Cách hoạt động tương tự các loại máy phân loại rác khác, chỉ cần quét mã vạch, người dân sẽ nhận được từ 5 đến 15 Cent (1.000 – 3.000 VNĐ) cho mỗi chai nhựa, lon nhôm (tùy thuộc vào kích thước mỗi chai lọ). Những vật cần được tái chế khi đi vào máy sẽ được ép chặt lại chỉ bằng 1/3 kích thước ban đầu nên công nhân chỉ cần đi thu gom rác vài lần một tuần. Việc này giúp cho Bắc Kinh vừa bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm tối đa chi phí thu gom và vận chuyển rác thải.

Việt Nam có cần thiết sử dụng máy phân loại rác tái chế không và vì sao nó lại quan trọng đến vậy?

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn rắc thải nhựa nhưng chỉ khoảng 27% trong số đó được tái chế hay tận dụng lại bởi các cơ sở và doanh nghiệp. Chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh bình quân mỗi ngày thải ra khoảng hơn 9.000 tấn chất thải rắn đã tạo nên áp lực cho ngành công nghệ xử lý rác thải. Tuy vậy, nếu ta biết tận dụng những rác thải có thể tái chế thì việc vừa giảm thiểu gánh nặng cho việc xử lý rác hiện nay vừa tăng thêm lợi nhuận là hoàn toàn có thể. Vì vậy, ta có thể nói, phế liệu chính là tiền. Hiện nay, việc tái chế rác thải tại Việt Nam vừa có cả truyền thống lẫn hiện đại. Hình ảnh các cô chú thu mua phế liệu và các chương trình “Đổi rác lấy quà” tại địa phương là các hoạt động truyền thống tái chế rác phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc tái chế theo kiểu truyền thống khá bất tiện và khó đồng bộ hóa với việc xử lý rác nếu việc thu gom không thực hiện đúng quy trình.

Đi theo với sự phát triển xã hội hiện đại thì ngày càng có những ứng dụng tích hợp công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo vào việc tái chế rác thải – điều mà trước đây Việt Nam chưa thể làm được. Việt Nam đã thành công cho ra đời một vài ứng dụng dùng cho việc thu gom và phân loại rác tái chế  Một số ứng dụng công nghệ đã được triển khai như:

  • McGreen, mGreen Collector, mPoint Shop – Lần lượt là các ứng dụng của DNXH McGreen để phân loại rác tại nguồn, thu gom rác tái chế và được tích điểm, đổi quà. Mỗi ứng dụng được dùng cho một đối tượng nhất định như McGreen sẽ dùng cho người dân sử dụng, mGreen Collector sẽ dành cho người thu gom rác tái, mPoint Shop là dành cho các cửa hàng có liên kết với MGreen.
  • VECA – Ve chai công nghệ số. Đây là ứng dụng thu mua ve chai mà người dùng có thể dùng ứng dụng để đặt lịch thu gom ve chai, phế liệu và đợi người mua đến thu.
  • Grac – Được viết tắt từ “gom rác” là ứng dụng dùng để quản lý nguồn thải, số hóa mạng lưới quản lý rác và thanh toán tiền rác online, thu mua phế liệu, trao đổi đồ cũ, hướng dẫn thực hiện phân loại rác,…

“Ứng dụng R-One” là một trong những ứng dụng của công ty DNXH Recycle One hoạt động mãnh mẽ trong lĩnh vực thu gom, tái chế phế liệu tại Việt Nam. Tại ứng dụng này, người dân có thể đặt lịch thu mua ve chai và người thu mua chỉ cần đến đúng địa điểm và tiến hành thu mua, sau đó thanh toán cho người dân là hoàn tất giao dịch. Với các bước đăng ký và giao dịch đơn giản, ứng dụng R-One đã trở nên ngày càng phổ biến đối với người dân giúp họ tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển và sống xanh một cách đơn giản hơn so với phương pháp thu mua phế liệu truyền thống.

Dự án mới nhất của công ty R-One phải kể đến chiếc máy phân loại rác tái chế R One sắp được ra mắt một thời gian nữa. Chiếc máy với chức năng tương tự những chiếc máy phân loại rác tái chế khác trên thế giới nhưng hiện tại Việt Nam chưa sở hữu và biết đến rộng rãi như các nước khác. Chiếc máy này được đón chờ như một chiếc máy tương lai với chức năng là thu gom các loại rác thải như chai nhựa, lon nhôm và vỏ hộp sữa được đặt tại các điểm thu nhận cố định để người dân có thể chủ động đem rác đi tái chế. Máy này sẽ được tích hợp với Ứng dụng R-One để tích lũy điểm cho mỗi lượt sử dụng máy và sau đó sẽ đổi quà.

Máy phân loại rác tái chế sẽ mang đến cho cộng đồng những ý nghĩa gì?

  • Chiếc máy phân loại rác tái chế R One được thiết kế với giao diện đơn giản, không đòi hỏi kiến thức người dùng, nhỏ gọn, dễ lắp đặt nên dễ dàng sử dụng đối với tất cả mọi người. Do bởi thiết kế này hướng đến những người tiêu dùng xanh không giỏi về công nghệ và cả những người lớn tuổi có quan tâm đến lối sống xanh nhưng không hiểu biết về công nghệ vẫn có thể sử dụng một cách dễ dàng. Vì thế, dù ở lứa tuổi nào thì mọi người đều có thể sử dụng được máy.
  • Chương trình “Tích điểm sống xanh” qua ứng dụng “R-one” thông qua việc tích lũy điểm để đổi các phần quà có giá trị từ nhà tài trợ giúp cho việc gia tăng sự tham gia của cộng đồng và ngày càng mở rộng cộng đồng sống xanh, tiêu dùng xanh.
  • Việc phân loại rác bằng máy phân loại rác tái chế R One cho chai nhựa, lon nhôm và vỏ hộp sữa chuẩn xác lên đến 95% giúp cho ta tiết kiệm được rất nhiều thời gian, giảm chi phí thu gom và xử lý rác, tạo thêm công việc cho người lao động tại các nhà máy tái chế chất thải rắn.
  • Dễ dàng cho việc triển khai phân loại rác tại nguồn lâu dài và bền vững. Việc phân loại rác hiện nay đã được phổ biến song việc hoạt động không được đánh giá cao do sự bất cập về việc thu gom và phân loại tại hộ gia đình. Máy phân loại rác tái chế R One sẽ giải quyết được các vấn đề hiện hữu nhờ thiết kế nhỏ gọn và tính linh hoạt.
  • Hình thành tư duy lối sống xanh từ thuở nhỏ cho các lứa tuổi nhi đồng nhằm xây dựng một Việt Nam phát triển bền vững với lượng rác được tái chế là cao nhất.

Có thể thấy việc sử dụng máy phân loại rác tái chế R One sẽ mở ra một tương lai mới cho rác thải và con người Việt Nam. Ở nơi đó, ta có khả năng hoàn thiện việc thu gom và phân loại rác tại nguồn giúp cho thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung giảm thiểu lượng rác thải trong một ngày, tăng tỷ lệ tái chế, trả lại một thành phố, một đất nước xanh và sạch hơn.

Hãy cùng R-One tối giản hóa việc thu mua phế liệu để kiến tạo tương lai.

1 Comment

Comments are closed.