Ô nhiễm đại dương: Những “sát thủ” thầm lặng khiến môi trường biển suy thoái

Ô nhiễm đại dương: Những “sát thủ” thầm lặng khiến môi trường biển suy thoái

Ô nhiễm đại dương đang là vấn đề nghiêm trọng của toàn thế giới không chỉ riêng tại Việt Nam. Trong đó, rác thải nhựa là một trong những “sát thủ” âm thầm khiến môi trường biển ngày càng suy thoái. Qua bài viết này, R One sẽ thay đại dương kể về nỗi lòng của đại dương đã bị con người “đối xử” như thế nào?

Thực trạng rác thải nhựa ở các đại dương trên thế giới

Rác thải nhựa có thể hiểu đơn giản là các sản phẩm nhựa sau khi sử dụng sẽ được thải bỏ thẳng ra ngoài môi trường mà không được phân loại cụ thể. Phần lớn chúng đều là những loại nhựa không thể phân huỷ hoặc chỉ có thể phân rã trong một khoảng thời gian rất lâu. Khi bị vứt bỏ, rác thải nhựa này có thể theo nhiều nguồn khác nhau đổ ra biển nên còn được gọi là “Nhựa đổ ra đại dương” (Ocean Bound Plastic).

Trên khắp thế giới dù ở nước phát triển hay đang phát triển đều dễ bắt gặp rác thải nhựa nhưng ở mức độ cao hay thấp lại phụ thuộc vào chính sách và biện pháp kiểm soát ở từng nơi. Tình trạng ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa đã trở thành nỗi ám ảnh vô cùng lớn khi mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa trôi ra biển, cộng với khoảng 150 triệu tấn nhựa đã tồn tại từ trước (EcoWatch, 2021). Một nghiên cứu khác của Yolanda Picó (2019) đã cho thấy các mẫu nước được lấy tại các lục địa trên thế giới đều có chứa các hạt vi nhựa.

Mỗi năm lượng nhựa được thế giới sản xuất đạt 150 triệu tấn nhưng có đến ½ trong số đó chính là loại nhựa sử dụng một lần, và chỉ 9% trong đó được tái chế. Kết quả là 80% lượng nhựa trong đại dương có nguồn gốc chủ yếu đến từ đất liền, theo sông suối đổ ra biển. Dự đoán của EcoWatch cho thấy trong 10 năm tới nếu không có giải pháp giải quyết vấn đề về nhựa thì đại dương sẽ có đến 250 triệu tấn nhựa. Vì vậy, ta có thể nói, ô nhiễm đại dương sẽ là một trong những loại ô nhiễm rác thải nhựa khó kiểm soát nhất vì chúng xuất pháp từ nhiều nguồn và cứ thế trôi nổi tại nhiều nơi chứ không hoàn toàn đứng im một chỗ như tại đất liền.

Hệ luỵ từ rác thải nhựa tồn tại trong các đại dương

Xuất phát từ tính chất khó phân huỷ, tồn tại lâu bên ngoài môi trường nên khi ở trong đại dương thì lại càng nguy hiểm hơn. Trong một bài nghiên cứu về sự ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa của Báo Tài nguyên và môi trường (2020), các hạt vi nhựa xuất hiện ở khắp nơi trên cả mặt biển lẫn đáy biển, các loài sinh vật biển sẽ nhầm lẫn các hạt vi nhựa là thức ăn, điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh sản, tăng trưởng và sự sống của chúng. Đồng thời, gió biển có thể mang đến bờ biển hàng tấn hạt vi nhựa mỗi năm. Quá trình di chuyển của sóng ở đại dương cũng là một trong những tác nhân mang các hạt vi nhựa lên bờ biển. Bờ biển Plymouth ở Anh và bờ biển Maine ở Mỹ đã đưa ra kết quả, cho thấy chúng là đại diện của vùng biển gần vùng đất đông dân cư.

Đa số rác thải nhựa có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi chúng bị phân rã trở thành hạt vi nhựa – là những miếng nhựa rất nhỏ có chiều dài dưới 5 mm, có thể nhìn bằng mắt thường và gây ra tác động tiêu cực đến đại dương, sinh vật dưới nước cũng như môi trường (Eurofins Scientific, 2019). Cụ thể:

– Trước khi bị phân huỷ, nhựa trôi dạt ngoài biển đã ảnh hưởng đến 267 loài, trong đó có 86% loài rùa biển. Sinh vật biển có thể bị thương do nhựa cắt vào cơ thể và có thể bị ngạt hoặc mắc kẹt đến chết.

– Khi phân rã thành vi nhựa gây ra cái chết các loài sinh vật biển, do hạt vi nhựa thường dễ bị nhầm lẫn với thức ăn của động vật biển, vì chúng có nhiều màu sắc và giống như những mảnh thực tế của thực phẩm. Khi giun đũa, động vật phù du và các động vật hoang dã biển nhỏ khác ăn vi nhựa, dạ dày của chúng đầy lên và chúng không thể ăn thêm thức ăn khác. Chẳng bao lâu, việc tiêu thụ vi nhựa dẫn đến cái chết của chúng, vì đói nhưng lại không thể chứa thêm thức ăn (Veerasigam và cộng sự, 2017).

– Phá hủy chuỗi thức ăn trong tự nhiên bởi khi các sinh vật nhỏ, sống dưới đáy phù du bị nhiễm hạt nhựa lại bị động vật lớn hơn ăn thịt, cứ thế tuần tự khiến chuỗi thức ăn các sinh vật đều tồn tại vi nhựa bên trong. Trải qua thời gian dài, quá trình tích lũy tăng lên gây giảm năng suất sinh học của sinh vật trong các đại dương.

Thế giới đã bắt đầu hành động

Nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, rất nhiều quốc gia và các tổ chức trên toàn cầu đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn vấn đề trên. Có thể kể đến EU khi bỏ phiếu cấm 10 mặt hàng nhựa sử dụng một lần, bao gồm ống hút, dĩa và dao vào năm 2021. EU cũng đặt mục tiêu tái chế tất cả các bao bì nhựa, nguồn thải nhựa hàng đầu vào năm 2030.

Một số quốc gia khác cũng thực hiện quyết liệt trong cuộc chiến chống rác thải nhựa nói chung và ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa nói riêng như Chile sẽ cấm những đồ nhựa sử dụng một lần như ống hút hay hộp đựng thức ăn. Các nhà hàng và quầy bán thực phẩm có 3 năm để chuyển từ các hộp đựng bằng nhựa sang các vật liệu có thể phân huỷ sinh học. Ước tính, Chile sẽ giảm được khoảng 23 ngàn tấn rác thải nhựa mỗi năm sau khi bị chỉ trích vì thải ra lượng rác thải lớn thứ 2 trong số các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở Mỹ Latinh.

Riêng ở Việt Nam, việc giải quyết rác thải nhựa trên đại dương được thực hiện đồng loạt ở tất cả địa phương nhưng trọng tâm xuất phát từ các đô thị lớn ven biển. Một trong số đó là Chương trình Thành phố sạch, Đại dương xanh thí điểm tại Huế, Đà Nẵng, Biên Hòa và Phú Quốc giúp giảm tình trạng ô nhiễm đại dương do “làn sóng” rác thải nhựa. Chương trình được kỳ vọng sẽ kết nối giữa người sử dụng đến người thu gom và các địa điểm xử lý, tạo ra cơ chế hợp tác công tư hiệu quả và minh bạch.

Ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa vốn không còn là chủ đề mới khi những tác hại trước mắt lẫn lâu dài đều được thể hiện ngày càng rõ rệt. Với sự phát triển không ngừng của dân số và lượng tiêu thụ, vai trò của chính phủ và thế hệ trẻ cũng lớn hơn trong việc tìm ra giải pháp giảm thiểu, kiểm soát rác thải nhựa. Là một trong những công ty phát triển theo hướng kinh tế bền vững, R One luôn mong muốn tiếp sức với mọi người trong công cuộc giảm tình trạng ô nhiễm đại dương nói riêng và kiến tạo vòng đời cho rác nói chung.

Hướng dẫn phân loại rác cực chi tiết mới nhất năm 2020

4 Comments

Comments are closed.