Túi vải thân thiện môi trường có thật sự tốt như lời đồn?

Túi vải thân thiện môi trường có thật sự tốt như lời đồn?

Ô nhiễm nhựa là tình trạng mà hầu hết các quốc gia đối mặt. Tuy nhiên việc sử dụng túi vải thân thiện môi trường có phải là cách hoàn hảo nhất để bảo vệ môi trường? Hãy cùng R One tìm hiểu qua bài viết dưới đây nha.

“Ô nhiễm trắng” – Tiếng còi báo động

“Ô nhiễm trắng” là từ khóa khá quen thuộc với các gen Z sống xanh hiện nay, dùng để chỉ hoạt động sử dụng không đúng cách túi nylon dùng một lần khiến tình trạng môi trường ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Tính tiện lợi khi sử dụng túi nylon dùng một lần đã làm cho mọi người gián tiếp hủy hoại môi trường sống không chỉ của động vật mà còn của con người. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021), mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 22 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó khoảng 10% là chất thải nhựa và số lượng này ngày càng gia tăng nhất là trong thời điểm dịch Covid vẫn còn hoành hành. Vấn đề này không chỉ là mối quan tâm của mỗi Việt Nam mà ngay cả trên toàn thế giới lúc nào cũng phải “đau đầu” về việc xử lý rác thải nhựa. Bằng chứng cho thấy, ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp triển khai các ý tưởng về các loại túi phân huỷ sinh học có chứa nguyên liệu tự nhiên và ứng dụng các công nghệ xử lý rác thải 4.0 trong việc giảm thiểu rác thải. Thế tại sao nylon lại có thể “sống” lâu như vậy trong môi trường?

TUI-VAI-THAN-THIEN-MOI-TRUONG-GIAI-CUU-RAC-NHUA
Rác thải nhựa “bao vây” toàn cầu.

Nguyên liệu để sản xuất túi nylon có nhiều loại khác nhau nhưng chủ yếu được sản xuất từ hạt nhựa Polyetylen (PE) và Polypropylen (PP) có nguồn gốc từ dầu mỏ và “thêm thắt” một số hóa chất phụ gia khác để tạo màu, tăng tính chống thấm nước, chống ẩm và khả năng chịu lực. Vì vậy, theo The Guardian rác thải nhựa có thể sẽ được gọi là “hóa thạch” bởi sự bền bỉ của nó có thể đánh bại các vật liệu khác. Không những thế, rác thải nhựa không thể phân hủy hoàn toàn mà chỉ phân rã thành những hạt nhỏ hơn được gọi là hạt vi nhựa đang trở thành mối quan ngại hàng đầu của các nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Hạt vi nhựa đã tồn tại hầu hết mọi nơi trên trái đất từ nguồn nước, không khí, dưới mặt đất, thực phẩm ăn uống và ngay cả gần đây giới khoa học còn tìm thấy nó xuất hiện trong máu của con người. Dẫu mọi người càng ngày hiểu biết hơn về tác hại của nylon nhưng họ vẫn chọn cách sử dụng nó thay vì thay thế các loại vật dụng khác bởi thói quen sử dụng và tính ứng dụng cao của nó.

Túi vải thân thiện môi trường – Liệu có phải là giải pháp thay thế tốt nhất?

Nắm bắt được xu hướng hạn chế phát thải nhựa của thế giới, phong trào sử dụng túi giấy và túi vải thân thiện môi trường trở nên vô cùng nổi trội. Nếu bạn đã từng là một người “phát cuồng” vì việc sống xanh và nghe nói rằng sử dụng túi giấy, túi vải thân thiện môi trường sẽ giảm được việc phát thải ra nhựa thì chắc hẳn đã nhanh chân đến một cửa hàng gần đó để sắm cho mình ngay một chiếc túi. Đôi khi, bạn còn ngay lập tức vứt những chiếc túi nylon bình thường vẫn còn dùng được trong nhà bạn. Hầu như hiện nay, trong nhà mỗi người chắc hẳn đều tồn tại một vài chiếc túi vải thân thiện với môi trường dù bạn không mua nhưng lại được các nhãn hàng sử dụng làm quà tặng khi bạn mua hàng của họ đúng không? Tuy vậy bạn có biết vì sao nhựa được phát minh ra không?

Sten Gustaf Thulin Thulin – một kỹ sư người Thụy Điển đã phát minh ra túi nylon nhằm giảm thiểu nạn chặt phá rừng cho việc sản xuất túi giấy và túi vải bởi sự bền và có thể tái sử dụng lại của túi nylon. Tuy nhiên, con người lại chỉ ứng dụng tính bền của nylon trong việc sử dụng nhưng họ lại quên việc tái sử dụng nó. Túi nylon được ra đời trong hoàn cảnh “giải cứu” những chiếc túi giấy và túi vải nhưng cũng do chính độ bền dai của nylon mà đã trở thành nỗi ám ảnh của thế giới. Dù vậy, việc chỉ nói rằng sử dụng túi giấy và túi vải là bảo vệ môi trường thì chưa chắc đã đúng. Bạn có bao giờ nghĩ rằng việc sử dụng những chiếc túi giấy, túi vải thân thiện môi trường “quá đà” sẽ trở thành một vấn đề mới cho môi trường chưa?

NGUOI-SU-DUNG-TUI-VAI-THAN-THIEN-MOI-TRUONG
Sử dụng túi vải canvas đựng vật dụng.

Việc sử dụng những chiếc túi vải thân thiện môi trường chưa bao giờ mang theo ý nghĩ xấu khi sản xuất. Nhưng nếu những nhà kinh doanh chỉ buôn bán theo lợi nhuận hay bạn chỉ mua vì nó vừa mắt và sử dụng theo “trend” nhất thời thì đó hẳn là lý do mà những chiếc túi vải ấy không còn tốt như mục đích ban đầu nữa. Vào năm 2018 đã có một cuộc nghiên cứu của Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch cho kết quả rằng cứ một chiếc túi vải được sử dụng thì cần tái sử dụng đến 20.000 lần mới bù đắp cho một quá trình sản xuất ra nó. Như vậy cũng có nghĩa là bạn cần sử dụng liên tục chiếc túi vải này hàng ngày trong vòng 54 năm mới có thể khiến nó trở nên đúng ý nghĩa “thân thiện với môi trường”. 

Tuy những chiếc túi vải này được cho rằng rất dễ dàng phân huỷ trong môi trường vì nó được sản xuất từ các sợi dệt có nguồn gốc thiên nhiên như sợi dệt cây gai dầu (túi vải canvas) hay các sợi dệt từ hạt Polypropylene có khả năng phân huỷ từ 5 – 7 năm khi chôn xuống đất (túi vải không dệt) nhưng mực dùng để in ấn lên túi vải thì không như thế. Hầu như, mực dùng để in ấn lên các túi vải thân thiện môi trường là loại mực có nguồn gốc từ PVC nên cực kì khó phân huỷ và tái chế. Vì vậy, ta không thể biến các loại vải đã có mực in này làm phân bón được. Ngoài ra, việc một nhà máy tái sử dụng những chiếc túi vải thân thiện môi trường này bằng cách biến cũ thành mới cũng sẽ tốn rất nhiều nhiên liệu và năng lượng. Có thể nói rằng việc này còn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng hơn bởi nhà máy là một trong những nơi phát thải nhiều khí nhà kính nhất.

TOP 5 những cách sử dụng túi nylon, túi giấy và túi vải thân thiện môi trường có ý nghĩa nhất

Tình trạng “khủng hoảng túi vải” đã và đang xảy ra đối với môi trường của chúng ta. Những chiếc túi giấy, túi vải bằng một cách bất ngờ nào đó mà tự động gia tăng trong mỗi nhà như tình trạng của những chiếc túi nylon trước đó. Hãy cùng R One điểm qua 6 cách để sử dụng dù là một chiếc túi nylon hay một vài chiếc túi giấy, túi vải một cách hợp lý nhất nha

  1. Từ chối khi không thật sự cần sử dụng 

Những chiếc túi vải thân thiện với môi trường được thiết kế với sự phối hợp màu sắc bắt mắt thật sự sẽ làm bạn không nỡ từ chối để sở hữu nó. Nhưng điều bạn cần làm là ngừng lại khoảng chừng là 5 giây để suy nghĩ rằng bạn có thật sự cần dùng đến nó không rồi hãy quyết định có nên hay không mua nó nhé. R One tin rằng khi trong thời gian đắn đo suy nghĩ thì chắc rằng sự lựa chọn của bạn sẽ là không bởi bạn là một người sống xanh thực thụ. Ngoài ra, khi bạn gặp một nhãn hàng ưa thích của bản thân đang có chương trình tặng túi vải thân thiện môi trường khi mua hàng thì cũng hãy áp dụng cách trên để trở thành một người mua hàng sáng suốt hơn nha.

  1. Tái sử dụng “hết sức” các loại túi

Mỗi loại túi đều mang trong mình lý do được sản xuất để con người có thể sử dụng nhiều lần. Nhưng chính cách sử dụng của con người đã làm “biến chất” ý nghĩa của từng loại túi. Bạn hãy thử đếm lại xem trong nhà bạn đã tích trữ được bao nhiêu chiếc túi vải thân thiện môi trường. Sự thật sẽ làm cho bạn bất ngờ đấy vì chính bạn cũng sẽ không thể sử dụng hết tất cả chúng đâu. Đừng vội mang tất cả chúng mang đi vứt vì điều này đi ngược với môi trường đấy. Hãy cố gắng tái sử dụng tất cả các loại túi một cách thông minh nhất có thể. Nếu như không thể sử dụng hết sau khi tính toán thì bạn nên chia sẻ lại cho những người mà bạn quen biết khi họ cần hoặc đem đi quyên góp chúng để chúng có thể đến tay chủ mới.

  1. Biến hoá những túi nylon thông thường thành những vật dụng khác

Hiện nay, khi tìm hiểu trên mạng xã hội, các bạn có thể tìm thấy một vài người dùng những vật phẩm bằng nylon (như túi nylon, bao bì mỳ gói,…) đã qua sử dụng và được làm sạch để đan thành một chiếc túi khác hay những vật dụng khác. Do độ bền dai của nylon và không thấm nước nên có thể đan thành những chiếc túi mới lạ đầy màu sắc. Mặc dù bạn sẽ trông rất khác biệt khi sở hữu một chiếc túi như thế nhưng chắc chắn sẽ không tồi khi dùng để sử dụng đi chợ đâu nhé. Bạn có thể tìm kiếm thêm trên Youtube về video hướng dẫn cách để bạn tự đan một chiếc túi đấy.

TUI-DAN-TU-NYLON-THAY-THE-TUI-VAI-THAN-THIEN
Vật dụng được đan từ nylon.
  1. Sử dụng túi được tái sử dụng từ vật liệu khác

Những chiếc quần jean cũ mà bạn không sử dụng nữa do nó lỗi thời hay bị hư hại sẽ trở thành nguồn nguyên liệu để sản xuất các chiếc túi xách, ba lô và nhiều đồ dùng tái chế khác. Chị Nguyễn Thị Hải Yến là chủ một xưởng sản xuất đồ dùng tái chế từ quần jean cũ tại Bắc Giang cho biết chị có nguồn cảm hứng sáng tạo với quần áo jean cũ do bởi vải jean có độ bền cao, tiết kiệm được nhiều chi phí và thứ duy nhất khi làm ra vật dụng mà không trùng lắp với các sản phẩm khác đó chính là nét mài độc đáo. Phương châm của chị và các cộng sự chính là sử dụng nguồn liệu tái chế để tăng vòng đời cho sản phẩm, hạn chế rác thải và bảo vệ môi trường đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác.

TUI-LAM-TU-JEANS-CU-THAY-TUI-VAI-THAN-THIEN-MOI-TRUONG
Túi được tái chế từ quần áo jean cũ.

Bạn có biết rằng sự tồn tại của những chiếc túi xách handmade “không đụng hàng” được thiết kế từ những chiếc túi giấy đựng vật phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như Dior, Chanel, Hermes,… không? Xã hội ngày càng phát triển nên việc sử dụng đồ dùng từ các “luxury brands” là chuyện không còn xa lạ. Không chỉ sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng được thiết kế chỉnh chu, tỉ mỉ mà ngay cả những chiếc túi giấy đựng kèm cũng được thiết kế xịn sò không kém. Sẽ thật tiếc khi ta chỉ có thể sử dụng một vài lần những chiếc túi giấy đặc sắc ấy bởi giấy không có độ bền cao. Thương hiệu Costacustom® tại Việt Nam đã thành công trong ý tưởng “remake” những chiếc túi giấy ấy thành những chiếc túi vô cùng độc đáo. Dù thương hiệu chỉ mới xuất hiện một vài năm gần đây nhưng đón nhận được sự ủng hộ của các bạn trẻ qua việc ký gửi những chiếc túi giấy để “hô biến” thành những chiếc túi xách sử dụng lâu dài hơn.

TUI-VAI-THAN-THIEN-MOI-TRUONG-TAI-CHE-TU-GIAY
Túi được remake lại từ túi giấy của Chanel.
  1. Sử dụng những chiếc túi được sản xuất “thuần” thiên nhiên

Sự phát triển và tính tiện dụng của nhựa đã khiến chúng ta dần dần ít trông thấy những cái làn đi chợ bằng cói mà thời cha mẹ đã được sử dụng cực kì phổ biến. Sống xanh hiện nay là xu hướng nên việc sử dụng những chiếc làn bằng cói ấy sẽ được xem là xu hướng. Ngoài ra, lá ngô, lá chuối, lá dừa,… cũng là những loại lá được dùng để đan thành những loại rổ hay túi xách để đựng các vật dụng khi đi chợ. Lấy ví dụ tại Philippines, những người bán trái cây và rau quả ở Bongao sử dụng những chiếc giỏ được làm hoàn toàn bằng lá dừa được gọi là “Sulingkat” để vận chuyển và trưng bày nông sản của họ ở chợ.

TUI-THIEN-NHIEN-THAY-TUI-VAI-THAN-THIEN-MOI-TRUONG
Những chiếc giỏ được đan từ lá dừa tại Philippines.

Sống xanh không có nghĩa là chỉ sử dụng túi vải thân thiện với môi trường thay cho túi nylon. Việc sử dụng hợp lý và tái chế từng loại túi sẽ giảm ngay gánh nặng môi trường cho Trái Đất. Một hành động nhỏ từ bạn cũng có thể trở thành một ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ môi trường. Vì thế, hãy cùng đồng hành cùng R One để kiến tạo vòng đời mới cho rác nhé!

4 Comments

Comments are closed.